Bùng nổ tranh chấp chung cư: Khi phí bảo trì trở thành 'con tin' của chủ đầu tư
Sau khi thành lập ban quản trị chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao phí bảo trì cho đơn vị này quản lý, sử dụng. Quy định là thế nhưng thực tế nhiều trường hợp phí bảo trì lại trở thành “con tin” của chủ đầu tư.
Cư dân căng băng rôn "đòi" sổ hồng
Thời gian gần đây, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư chung cư ở TP.HCM lại tiếp tục bùng nổ. Nguyên nhân vẫn do chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền căn hộ, chây ỳ bàn giao phí bảo trì, xung đột nội bộ ban quản trị (BQT), tranh chấp sở hữu chung – riêng ở chung cư… trong đó chủ yếu là vấn đề phí bảo trì và giấy chủ quyền căn hộ.
Cư dân chung cư Dream Home Luxury (tên khác là Phú Hưng Phát), phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM do Công ty CP Nhà Mơ làm chủ đầu tư cho biết, sau 5 năm chung cư đi vào hoạt động, chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục cấp giấy chủ quyền.
Theo ông L.T.H – Trưởng BQT chung cư Dream Home Luxury, BQT được công nhận từ năm 2019, tuy nhiên đến nay Công ty CP Nhà Mơ vẫn chưa quyết toán, chuyển giao phí bảo trì gần 10 tỷ đồng cho BQT.
Một cư dân cung cấp thông tin rằng sở dĩ chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho cư dân vì đã thế chấp quyền sử dụng đất của chung cư cho ngân hàng. Bức xúc, nhiều cư dân đã căng băng rôn ở mặt ngoài căn hộ của mình để đòi sổ hồng và phí bảo trì.
Cư dân chung cư Dream Home Luxury treo băng rôn ở mặt ngoài căn hộ đòi sổ hồng. |
Tương tự, chung cư Dream Home Residence, phường 14, quận Gò Vấp cũng do Công ty CP Nhà Mơ làm chủ đầu tư đang bị cư dân phản đối vì kiểu kinh doanh “mang con bỏ chợ”. Hơn 400 căn hộ tại chung cư được bàn giao cho khách hàng từ năm 2017, nhưng đến nay chưa hộ dân nào được cấp giấy chủ quyền. Phí bảo trì hiện vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao.
Có những chung cư, tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư chưa được giải quyết thì lại đến lùm xùm giữa cư dân và BQT, như chung cư The EverRich Infinity, quận 5 do Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt làm chủ đầu tư.
Cách đây chưa lâu, cư dân The EverRich Infinity bức xúc vì chủ đầu tư rao bán quyền sử dụng chỗ đậu xe ô tô tại chung cư với giá 500 triệu đồng/chỗ, trong khi pháp lý về sở hữu riêng diện tích bãi xe ô tô của chủ đầu tư vẫn chưa được làm rõ. Quá trình vận hành, quản lý chung cư này, BQT lại không nhận được sự ủng hộ từ cư dân.
Hội nghị nhà chung cư bất thường của The EverRich Infinity dự kiến tổ chức ngày 27/6 vừa qua đã bị hoãn vì không đảm bảo thành phần chủ trì hội nghị và nhân sự ứng cử thay thế thành viên BQT. Cư dân cho biết thông qua hội nghị này sẽ bãi nhiệm các thành viên BQT cũ, bầu BQT mới để việc quản lý chung cư hay đấu tranh với chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung – riêng, được tốt hơn.
Cư dân căng băng rôn tại khu căn hộ của mình |
Còn tại chung cư 4S Riverside Linh Đông, quận Thủ Đức những ngày qua nhiều cư dân căng băng rôn phản ứng việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền và công khai về khoản tiền phí bảo trì chung cư.
Tại chung cư này, mặc dù BQT được thành lập từ tháng 11/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể nhận bàn giao khoản phí bảo trì khoảng 24,5 tỷ đồng và hồ sơ kỹ thuật, quyết toán các chi phí vận hành chung cư.
Nguyên nhân, theo một cư dân tại đây, xuất phát từ việc bàn giao giữa chủ đầu tư (Công ty Thành Trường Lộc) và BQT bị kéo dài và mâu thuẫn trong nội bộ BQT chung cư. Cụ thể, khi mới thành lập BQT, một số thành viên muốn yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì trước, sau đó mới đến hồ sơ kỹ thuật, sử dụng chung – riêng. Tuy vậy, trưởng BQT lại có ý ngược lại. Do không thống nhất quan điểm, đầu tháng 3/2020, 5 thành viên của BQT đã từ nhiệm cùng lúc...
Có thể khởi kiện ra tòa
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, toàn thành phố hiện có 1.401 nhà chung cư. Tuy nhiên chỉ có 194 chủ đầu tư đã và đang bàn giao phí bảo trì. Những tranh chấp, khiếu nại chủ yếu xảy ra tại các chung cư như tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng chung – riêng; bàn giao phí bảo trì; bàn giao hồ sơ nhà chung cư; chủ đầu tư xây dựng không phép, tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục, chậm lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ.
Về nội dung cưỡng chế các chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì 2% cho BQT, Sở Xây dựng cho rằng nên điều chỉnh quy định theo hướng các bên có thể khởi kiện tại toà án theo pháp luật tố tụng dân sự. Về lâu dài, nên bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu phí bảo trì như hiện nay.
“Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do BQT chung cư thu của các chủ sở hữu nhà chung cư trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ phần trăm do hội nghị nhà chung cư quyết định” Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị.
Với các chủ đầu tư chây ỳ bàn giao phí bảo trì, theo luật sư Chánh, Nghị định 139/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về hành vi này. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng nếu có hành vi “Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định”.
Luật sư Chánh cho rằng, mức phạt tiền như nói trên chưa đủ sức răn đe và chưa xét đến tổng số tiền phí bảo trì chung cư nhiều hay ít. Bởi thực tế, chung cư nhỏ thì tiền phí bảo trì chỉ vài tỷ đồng, nhưng chung cư hàng ngàn căn hộ thì số tiền này rất lớn. Nếu có chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì cả trăm tỷ đồng trong thời gian dài nhưng mức phạt cao nhất chỉ 150 triệu đồng thì không hợp lý.
Đồng ý với kiến nghị của Sở Xây dựng, theo luật sư Chánh nên có quy định pháp luật về cưỡng chế chủ đầu tư giao phí bảo trì cho BQT theo hướng các bên có thể khởi kiện ra toà theo Luật Dân sự. Có như vậy, quyền lợi của cư dân mới được đảm bảo.
Nhà ở riêng lẻ 'đội lốt' chung cư mini, nhiều người mua sập bẫy
Công trình được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng các chủ đầu tư đã “hô biến” thành dự án chung cư mini rồi rao bán với giá rẻ. Nhiều người mua phải những dự án này, tiền thì mất mà nhà chẳng thấy đâu.
Phương Anh Linh
No comments