Vay vốn mua nhà ở xã hội: Chuyện không dễ với người nghèo - Bất Động Sản

Breaking News

Vay vốn mua nhà ở xã hội: Chuyện không dễ với người nghèo

Từ năm 2018, Ngân hàng được Trung ương giao vốn để thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính Phủ. Tuy nhiên, từ năm 2018  đến ngày 30/9/2022, Ngân hàng mới chỉ thực hiện 310 khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay 150 tỷ đồng. Trong đó, có  252 khách hàng vay 117 tỷ đồng để mua, thuê mua nhà ở xã hội; 58 khách hàng vay hơn 32 tỷ đồng để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Đã tìm hiểu nhiều về chính sách cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm nhiều năm trước, chị Ngọc (một công nhân tại Q.Tân Bình, TP HCM) cho biết, thông tin được vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm và thời hạn vay lên đến 25 năm được nhiều gia đình hộ nghèo, công nhân, viên chức quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế thì chẳng mấy ai tiếp cận được vốn vay này. "Với nhiều thủ tục rắc rối đã khiến tôi không thể đáp ứng được yêu cầu và không thể vay. Vậy là hy vọng, rồi lại thất vọng" – chị Ngọc chia sẻ.

Cũng đang trong trạng thái ngồi chờ, anh Phạm Đức Mạnh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, mọi thông tin về chính sách tín dụng cho người mua nhà ở xã hội luôn được anh theo dõi và chính sách gói vay ưu đãi được vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là nơi mà anh rất kỳ vọng.

"Cứ nghĩ gói tín dụng được triển khai từ tháng 9/2017, nên vợ chồng tôi vẫn luôn mong chờ. Thế nhưng, khi tìm đến ngân hàng và được đề cập đến các yêu cầu về thủ tục khiến tôi rất nản. Nếu không vay được vốn ưu đãi thì những người thu nhập thấp như chúng tôi không biết bao giờ mới có thể mua được nhà" - anh Mạnh chia sẻ.

"Cửa" mua nhà vẫn hẹp

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hầu hết các đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội đều là những người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và được hưởng chính sách thông qua nhà ở xã hội. Mặc dù đã có chính sách giảm giá nhà xuống mức thấp nhưng tổng giá trị căn hộ vẫn ở mức cao so với người thu nhập thấp. Trên thực tế, có nhiều người mua nhà ở xã hội họ không vay được vốn từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội nên tỷ lệ người được vay hiện nay khá ít, "cánh cửa" mua nhà người thu nhập thấp vẫn hẹp.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát cũng cho rằng, việc hỗ trợ chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp cần được tổ chức rộng rãi, mở rộng các ngân hàng để người dân có thể tiếp cận được vốn vay.

"Khi khả năng thanh toán của nhiều hộ gia đình còn khó khăn, nếu không được hỗ trợ thì ít người mua được nhà. Và khi tỷ lệ mua nhà thấp cũng trở thành bài toán cho các chủ đầu tư, bởi khi nhà ở xây xong không bán được sẽ không kích thích được thị trường, không kích thích được các bên tham gia phát triển nhà ở xã hội", ông Giang nhận định.

Ông Giang cũng cho biết, có nhiều ngân hàng tham gia cho vay vốn ưu đãi thì việc tiếp cận vốn vay của người mua nhà sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, hiện nay một số ngân hàng đang làm rất tốt việc cho vay, thẩm định khác hàng từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây, nên thủ tục được giải quyết nhanh hơn. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát cũng cho rằng, nếu thu hẹp cửa vay ưu đãi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý mua nhà, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, các đối tượng cho vay của đều là người lao động có thu nhập thấp, các đội tượng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên. Điều đáng lưu ý là thời hạn vay do Nhà nước và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, tối đa không quá 25 năm.

Nghị định 49/2021 (sửa đổi Nghị định 100) của Chính phủ cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức vốn, lãi suất cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo để ở. Cụ thể, đối với mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng. Còn nếu xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán. Và tối đa không quá 500 triệu, không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo. Mức cho vay cụ thể sẽ được Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay xem xét, sẽ căn cứ vào nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng,... để xem xét mức cho vay phù hợp.

Luật sư Cường cũng cho rằng, mức lãi suất cho vay chỉ 4,8%/năm là rất phù hợp với người lao đông có thu nhập thấp, việc tiếp cận nguồn vốn hiện nay cũng không có gì khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong những năm qua chính là nguồn cung nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, theo quy định, người mua nhà có thể vay với hạn mức 80% tổng giá trị hợp đồng, có nghĩa nếu mua nhà 1 tỷ đồng người dân buộc phải có 200 triệu đồng.

"Đối với người thu nhập thấp thì số tiền 200 triệu vẫn là rất lớn. Chưa kể, hiện nay không thể kiếm nhà ở xã hội có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Đó cũng chính là lý do khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho người thu nhập thấp để mua nhà rất khó" - luật sư Cường nói.

Theo NHCSXH chi nhánh TP HCM, chương trình cho vay NƠXH rất thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khi lãi suất ưu đãi 4,8%/năm và thời hạn vay lên đến 25 năm.

Nguồn vốn từ chương trình đã giúp 310 khách hàng là công chức, viên chức, người thu nhập thấp… trên địa bàn có điều kiện được mua và xây, sửa nhà.

Với các trường hợp vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, NHCSXH chi nhánh TP HCM cho rằng, hiện chi phí nguyên vật liệu và nhân công đã tăng cao. Với mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng để xây dựng mới một căn nhà ở TP HCM thì khó thực hiện được.

Từ thực tế trên, NHCSXH chi nhánh TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, nâng mức cho vay tối đa từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng đối với những trường hợp này.

No comments